Lượt xem: 929
Lễ trao giải cuộc thi Prudential Văn hay - Chữ tốt 2010 ĐBSCL: Bồi đắp nhân tài vùng đất “chín rồng”
Ngày 5-12, lễ trao giải cuộc thi Prudential Văn hay - Chữ tốt 2010 ĐBSCL do Báo SGGP tổ chức diễn ra long trọng tại Trường Chính trị TP Sóc Trăng. Điều đọng lại lớn nhất sau những ngày tranh tài tại Sóc Trăng không phải là giải thưởng mà chính là việc nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương trong các em học sinh vùng đất “chín rồng”.

Rộn ràng ngày hội đồng bằng

Từ sáng sớm, hội trường Trường Chính trị TP Sóc Trăng đã đông nghịt học sinh và phụ huynh. Hội trường gần 1.000 chỗ đã không còn khoảng trống.
Ông Nguyễn Tấn Thanh (phụ huynh thí sinh Nguyễn Thị Oanh Thảo) chạy xe 120km từ huyện Vĩnh Xuân (Vĩnh Long) đến đây để kịp ủng hộ tinh thần cho cô con gái duy nhất rất say mê đọc sách và học văn. Ông cho biết: “Thấy cháu thích học văn nên gia đình ủng hộ cháu đi thi, không đặt nặng giải thưởng để cháu cảm thấy thoải mái. Gia đình làm nông để sống nên kết quả học tập của con là niềm hy vọng của gia đình”.
Không chỉ có thầy dẫn trò từ các tỉnh về dự thi mới háo hức trông chờ kết quả, nhiều phụ huynh từ xa cũng đưa con đến học hỏi các anh chị dự thi. Nhóm học sinh của Trường THCS Lê Hồng Phong (Sóc Trăng) dù không dự thi cũng đến rất đông để theo dõi cuộc thi.

Phó Tổng biên tập Báo SGGP Phạm Đức Hiến trao giải nhất cuộc thi Prudential Văn hay - Chữ tốt ĐBSCL 2010 tặng em Nguyễn Lê Ngọc Quang (Tiền Giang). Ảnh: MAI HẢI


Ông Lê Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, khẳng định những giá trị từ sân chơi bổ ích này, đã giúp rèn chữ luyện văn, để các em thêm yêu tiếng Việt và văn hóa dân tộc. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng trở nên có ý nghĩa, cuộc thi cần được mở rộng để nhiều học sinh tham gia giúp tìm ra nhiều tài năng văn chương hơn nữa, nhằm phát hiện và bồi đắp nhân tài cho vùng đất ĐBSCL.
Hồi hộp là tâm trạng của hầu hết thí sinh dự thi, giáo viên, phụ huynh vì kết quả được bảo mật đến giờ trao giải. Khi tên các em được xướng lên nhận giải, niềm vui như vỡ òa. Điện thoại di động giờ đây trở thành “nhịp cầu nối những bờ vui”, những cuộc gọi liên tục giúp các em chia sẻ niềm vui đoạt giải với bố mẹ ở nhà.
Chúc mừng các thí sinh đoạt giải, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Đức Hiến nhấn mạnh: Cuộc thi hỗ trợ chương trình dạy và học văn trong trường phổ thông, góp phần nâng cao kỹ năng viết văn, rèn chữ đẹp. Sự phong phú đa dạng của văn học sẽ vun đắp và bồi dưỡng nhân cách trong sáng cho các em trong cuộc sống. Tình yêu với văn chương giúp các em cảm nhận nhiều hơn tình yêu đối với người thân và những người xung quanh, tình yêu với quê hương đất nước.
Như thí sinh Nguyễn Lê Ngọc Quang trăn trở trong bài làm: “Chúng ta phải suy ngẫm. Và bất giác những dòng suy nghĩ của tôi lại dâng lên mãnh liệt, lại thôi thúc tôi làm một điều gì đó để góp phần giúp quê hương phồn vinh. Đã bao lần bạn có những suy nghĩ về việc xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp… Chúng ta cần phải làm gì để thể hiện 3 tiếng “yêu quê hương”?”.
Một thí sinh hứa: Tôi sẽ ra sức phát huy những kiến thức, tài năng của mình, sẽ cố gắng trau dồi tri thức để không ngừng phát triển vùng đất “chín rồng”.
15 học sinh đoạt giải cao cuộc thi "Prudential - Văn hay chữ tốt" khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2010. Ảnh: Mai Hải
Ba học sinh lớp 9/6 trường THCS Lê Ngọc Hân tỉnh Tiền Giang (từ trái sang) Trần Hồng Ngọc; Võ Hồng Thiên Ân đoạt giải nhì và Nguyễn Lê Ngọc Quang đoạt giải nhất cuộc thi "Prudential - Văn hay chữ tốt" khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2010. Ảnh: Mai Hải
Tạo ra nhiều giá trị “GDP vô hình”
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại toàn quốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential VN, tự hào khi là nhà tài trợ của cuộc thi để tạo ra một sân chơi trí tuệ bổ ích cho học sinh, tạo được tiếng vang và sự quan tâm của ngành giáo dục và cả xã hội. Ông nói: “Cuộc thi không chỉ đẩy mạnh phong trào rèn chữ luyện văn mà còn hướng đến mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ sống có nhân cách và tâm hồn”.
Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, đề thi “mở” đáp ứng đúng tinh thần của Bộ GD-ĐT nhằm khơi gợi học sinh phát huy hết sự sáng tạo, đưa kiến thức đến với thực tế cuộc sống. Tuy gặp đề thi “siêu khó” nhưng đa phần bài làm của thí sinh có chất lượng tốt, từng con chữ được trau chuốt rất đẹp dưới ngòi bút lá tre truyền thống.
Không chỉ chữ viết ngày càng đẹp, nhiều bài viết thể hiện bản lĩnh của người viết với kiến thức phong phú, suy nghĩ lạ nhưng không kém phần trong sáng, mộc mạc của học trò vùng sông nước đồng bằng. Nếu như đề thi hướng các bạn trẻ đến những suy nghĩ làm thế nào để tăng GDP kinh tế trong tương lai thì giá trị “GDP vô hình” sau mỗi cuộc thi chính là sự trưởng thành của các thí sinh.
Từ một sân chơi văn chương đầy bổ ích vun đắp kiến thức cho các em, giờ đây nhiều học sinh đoạt giải đã trở thành nhà báo, sinh viên ưu tú của các trường đại học. Em Nguyễn Trung Ngân (Cần Thơ, giải III năm 2006) đoạt thủ khoa kỳ tuyển sinh đại học 2008 với điểm số môn văn đạt 9,75, cao nhất nước…
Đến với cuộc thi, thí sinh nào cũng mang theo ước mơ đoạt giải cao nhất nhưng cuộc tranh tài nào cũng có người chiến thắng và những giọt nước mắt tiếc nuối của các bạn chưa đoạt giải. Nhưng như cô Thái Thị Ngọc Bích, Sở GD-ĐT Cà Mau, thành viên Ban giám khảo, chia sẻ: “39 em học sinh đến đây đã thành công vì các em là những học sinh viết văn hay nhất, chữ đẹp nhất đại diện cho 13 tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSCL. Chúc mừng các em đoạt giải và mong các em tiếp tục nuôi giữ tình yêu văn chương”.

Giải nhất: Nguyễn Lê Ngọc Quang (Trường THCS Lê Ngọc Hân, Tiền Giang).
Giải nhì: Trần Hồng Ngọc và Võ Hồng Thiên Ân (Trường THCS Lê Ngọc Hân, Tiền Giang).
Giải ba: Võ Mai Anh (Trường THCS TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) và Nguyễn Thị Ngọc (Trường THCS Mỹ Quý, Đồng Tháp).
Giải khuyến khích: Đỗ Kiều Anh Thư và Trần Võ Xuân Mai (tỉnh Trà Vinh); Phùng Dương Hạnh và Nguyễn Lê Hồng Nhung (tỉnh Long An); Lâm Vĩnh Siêu và Lâm Công Thành (tỉnh Vĩnh Long); Đỗ Thị Đào Hồng Ngọc và Hồ Ngọc Thảo (tỉnh Bạc Liêu); Lê Việt Mỹ Nữ (tỉnh Cà Mau); Huỳnh Duy Phương (tỉnh An Giang).
Bùi Thị Tiên (Trường THCS Phú Lộc, huyện Thạnh Trị) đoạt giải thí sinh tỉnh Sóc Trăng có điểm cao nhất.
Đến tham dự buổi lễ trao giải có ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng; bà Huỳnh Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng; ông Lâm Phương, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng; ông Mai Văn Nhân, Giám đốc Trường Chính trị TP Sóc Trăng; ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng và bà Trần Thị Phương Lan, Trưởng chi nhánh Prudential VN tại Cần Thơ. Báo SGGP xin gửi lời cảm ơn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cùng 12 tỉnh, TP khu vực ĐBSCL và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential VN, Báo Sóc Trăng, Đài Truyền hình Sóc Trăng đã hỗ trợ cuộc thi này.

Tiêu Hà
Lễ trao giải cuộc thi. Thực hiện: Đức Trọng



Càng ép, học trò càng không thích học văn
6 lần liên tiếp tham gia cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” ĐBSCL, học sinh của Trường THCS Lê Ngọc Hân (Tiền Giang) chưa bao giờ mất ngôi quán quân. Kỳ diệu hơn, năm nay, 3 cô bé cùng học lớp 9/16 đoạt cả 3 giải cao nhất. Cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên phụ trách đội tuyển Văn của Trường THCS Lê Ngọc Hân chia sẻ bí quyết chiến thắng của đội nhà.
Cô Nguyễn Thị Tuyết (thứ 2, từ phải sang) chung vui cùng 3 học sinh đoạt giải cao cuộc thi Prudential Văn hay - Chữ tốt ĐBSCL 2010. Ảnh: MAI HẢI
- PV: Đề thi năm nay được đánh giá là “siêu khó”, sẽ hạn chế chuyện học sinh học “tủ”, thế nhưng, học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân vẫn tiếp tục giữ vững kỷ lục bất bại suốt 6 năm?
Cô NGUYỄN THỊ TUYẾT: Tôi không dạy học sinh học “tủ”, mà khơi gợi chất văn chương tiềm ẩn trong tâm hồn các em. Mỗi buổi học, tôi hướng dẫn học sinh chọn sách đọc phù hợp để tích lũy kiến thức, học cách viết để các em có được vốn kiến thức và kỹ năng viết văn. Khi tạo cho các em có nền tảng tốt, gặp đề thi dạng nào các em cũng vượt qua. Nhưng điều quan trọng nhất đối với người học văn là phải biết lắng nghe hơi thở cuộc sống, biết rung động, mở rộng tâm hồn mình với cuộc sống và mọi người chung quanh.
- Cô có bí quyết nào giúp học sinh của mình liên tục trở thành học sinh giỏi văn của tỉnh Tiền Giang, khu vực ĐBSCL?
Không có phương pháp nào cụ thể, tôi phải linh động với từng đối tượng. Mỗi em có thế mạnh yếu, sức học và cách thể hiện văn chương khác nhau. Tôi nghĩ là mình biết cách khơi gợi niềm đam mê của các em và quan trọng là có được những học trò có sức học tốt. Với việc dạy và học văn hiện nay, chúng ta càng ép, học trò càng không thích nên người thầy phải tạo được không khí cho buổi học, thu ngắn khoảng cách thầy trò. Giáo viên phải vận dụng nhiều hình thức mới lạ để tạo sự sinh động cho bài học, tạo sự hứng thú thu hút học sinh. Chẳng hạn như dạy về bài “Viếng lăng Bác”, giáo viên cho học sinh xem tư liệu lúc Bác mất, kể những câu chuyện về Bác...
- Không chỉ có kiến thức và kỹ năng viết văn rất bài bản, học sinh của Trường THCS Lê Ngọc Hân còn được biết đến với chữ viết rất đẹp dù không thanh mảnh như chữ mẫu?
Đúng vậy, tôi rèn cho các em viết chữ có bụng, hơi tròn và kém thanh mảnh hơn so với chữ mẫu truyền thống nhưng nét chữ là nết người nên rèn cho các em viết chữ có bụng nghĩa là tập cho các em mở rộng tấm lòng. Tôi vẫn khuyến khích các em nên giữ nét chữ chân phương của mình mà không sửa hay rèn luyện quá nhiều.
Mỹ Hằng










CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1590338
Cơ quan chủ quản: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng
                                Địa chỉ: Số 48 Lê Duẩn, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
              Điện thoại: 02993.616042. Fax: 02993.824074. Email: Vanphong.sosoctrang@moet.edu.vn
             Số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính: 02993.616042
             Ghi rõ nguồn "Sở Giáo dục và Đào tạo" khi phát hành lại thông tin từ Website này.